Gears of War 4 cover
Trang chủ games Gears of War 4

Gears of War 4

bởi SW (Bá)

11 October 2016

86668

2

14

Câu chuyện về lịch sử phát triển của Gears of War 4 tương đồng một cách kỳ lạ với Star Wars: The Force Awaken. Đó là một dự án mà cha đẻ của nó rời bỏ sau khi cho ra mắt hậu bản gần nhất không mấy thuyết phục, còn những nhà phát triển mới đón nhận nó với lời hứa hẹn rằng sẽ mang lại những giá trị cũ đã làm nên tên tuổi của chính thương hiệu đó; những nhân vật chính quay trở lại với tư cách là người hỗ trợ và “dọn đường” cho một thế hệ mới, hứa hẹn sẽ nối gót những gì mà những gã “già gân” đã dọn sẵn trước kia, và kết quả cuối cùng là một cuộc hành trình quá đỗi quen thuộc với những người hâm mộ kỳ cựu, nhưng cũng thật mới mẻ đối với thế hệ khán giả hiện đại.


Đã 5 năm kể từ khi Gears of War 3 ra mắt, tiếp nối thời kỳ huy hoàng của một trong hai dòng game chủ lực nhất của Microsoft trên hệ máy Xbox 360, và sau khi phiên bản Gears of War: Judgment không được cộng đồng người hâm mộ đón nhận nồng nhiệt cho lắm, “đội xanh” quyết định rằng thế hệ console mới của hãng phải được đánh dấu bằng một thế hệ Gears of War mới, được phát triển dưới bàn tay của The Coalition với mục đích khó có thể nào… khiêm tốn hơn: trở lại với thời hoàng kim của Gears of War trước đây.





Và thật không ngoa khi nói rằng, sự trở lại của Gears of War kỳ này không thể nào hoành tráng hơn được nữa.


BẠN SẼ THÍCH


MÀN TRÌNH DIỄN TẠM ỔN CỦA THẾ HỆ GEARS MỚI
Lấy mốc thời gian 25 năm sau các sự kiện trong Gears of War 3, phiên bản thứ tư đưa người chơi vào vai JD Fenix – con trai của tay súng COG huyền thoại Marcus Fenix, cùng với hai người bạn đồng hành của mình là Del và Kait trên cuộc hành trình đối đầu với một thế lực mới được coi là tàn dư còn sót lại của Locust trước kia, trong lúc né tránh thiết quân luật mà COG đặt ra đối với số ít người còn sót lại trên Sera. Sau nhiều năm đấu tranh chống lại Locust, COG lại trở thành những kẻ áp chế bằng chính cường quyền của mình, thế nên không có gì ngạc nhiên khi mà trong những giây phút đầu tiên của trò chơi, bạn – giờ đây là những kẻ ngoại đạo (Outsiders) phải đối phó với các người máy DeeBee được tạo nên để thực hiện các công việc nặng nhọc nhằm tái thiết hành tinh này.

Dẫu vậy, Gears of War 4 không sa đà quá nhiều vào việc tô đậm mặt tối của COG, mà tâm điểm của trò chơi dĩ nhiên vẫn nằm ở chủng loại quái vật mới – Swarm. Chúng nhảy xổ ra từ những buồng ấp với chiều cao ngang hông (ừ thì Gears of War mà!), chúng bò lộm cộm từ mấy cái lỗ bự chảng gớm ghiếc trong khi cầm một khẩu súng trên tay, dĩ nhiên không thiếu những con khác rất khoái nhảy khắp mọi nơi rồi tìm cách “măm măm” cái đầu của bạn, hay sẵn sàng mở cái mồm giữa ngực để bắn những con nòng nọc biết bay (???) về phía bạn. Ừ thì chúng vẫn chả khác gì Locust lắm, vẫn rất hay ậm ừ những từ ngữ mà bật volume hết cỡ mới hiểu được chúng nói gì, đặc biệt là những con Drone với cách thức cầm súng và di chuyển y hệt như con người. Nói tóm lại chúng vẫn là Locust, vẫn xuất hiện với mục đích là cho thấy hệ thống “bầy nhầy màu đỏ” đặc trưng của Gears of War tinh tế như thế nào. Chỉ có một điều duy nhất khiến người viết hơi thất vọng là vẻ ngoài của chúng chả khác nhau gì mấy, càng khó để phân biệt hơn trong phần chơi Versus trừ phi bạn khoác lên mình một con Drone nhìn như bước ra từ một bịch kẹo vậy.

Thật khó để có thể nhận xét rằng phần chơi đơn của Gears of War 4 100% đáng chơi, hay là 100% đáng bỏ qua, thế nên ở phần này, có lẽ người viết nên tự định nghĩa lại bằng cụm từ “trung lập” hơn là bạn sẽ thích hoặc ghét đơn thuần.

Có lẽ không nhiều người còn lạ lẫm gì với định nghĩa “corridor shooter” nữa, và dĩ nhiên với một phần chơi chiến dịch được thiết kế bám sát theo cốt truyện và phần chơi cộng tác thì Gears of War 4 dĩ nhiên không xoay chuyển công thức này 180 độ. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là nó không có cái mới: những cơn bão điện từ (windflare) khiến cho thời tiết bất ổn ảnh hưởng đến cách thức di chuyển của nhân vật hay vận tốc đạn bay của một số loại vũ khí nhất định, người chơi còn có thể lợi dụng chúng để phá rào chắn của các vật thể trong màn chơi và tạo nên cái bẫy ngay sau lưng địch. Các loại vũ khí mới rất đáng để bạn thử qua, ví dụ như Buzzkill bắn ra những lưỡi cưa khiến những con Swarm xấu số biến thành… hai mảnh, Overkill bắn đạn shotgun liên thanh hay Dropshot bắn ra những quả lựu đạn bay trên không trung rồi tiếp đất khi người chơi kích hoạt.

Về lối thiết kế màn chơi, có lẽ điều khiến người viết đáng tiếc nhất là sự thiếu hụt các trận đấu trùm và những phân cảnh “theo kịch bản”. Cuộc đào thoát khỏi dinh thự nhà Fenix cộng với hai trận đấu trùm ở nửa sau của game có thể được coi là điểm sáng nhất trong phần chơi chiến dịch của Gears of War 4, và xen giữa chúng là rất nhiều trường đoạn bắn nhau đơn thuần với rất ít sự đa dạng. Nhóm của JD bắn nhau ở một địa điểm nào đó, vài dòng hội thoại, bắn nhau, tiếp tục hội thoại, thỉnh thoảng thêm vào một phân đoạn cố thủ (chẳng khác nào Horde Mode) hoặc điều khiển ụ súng nào đó, lặp lại cho đến hết từng chương.

Câu chuyện của game cũng sở hữu sự xung đột lạ lùng tương tự. Chúng ta có ba nhân vật mới trám đầy các mô-típ sáo rỗng về nhân vật trong videogame, nhưng cùng lúc đó cũng đầy thú vị với tính cách kém nghiêm túc như thể họ bước ra từ kịch bản được viết bởi Joss Whedon vậy. Cốt truyện của game lại có nhiều lỗ hổng hơn, quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp cộng với một cái kết đột ngột đến mức nực cười (đây là trào lưu của làng game năm 2016 sao?), khiến cho Gears of War 4 mang lại cảm giác giống như là “bước dạo đầu” đầy thiếu sót của một câu chuyện ba phần mới, không đủ để khiến người chơi hài lòng.

Tựu chung lại, hoặc bạn có thể sẽ thích phần chơi chiến dịch của Gears of War 4 vì lối chơi cổ điển cùng vài món “gia vị” mới, hoặc sẽ ghét nó vì câu chuyện chưa hoàn chỉnh và kết thúc có phần vội vã. Nếu như bạn có ý định hoàn thành phần chơi này thì hãy cân nhắc tìm thêm ít nhất một người bạn để chơi cộng tác, hẳn bạn sẽ cảm thấy sự lặp lại của các phân đoạn bắn nhau ít gây phiền nhiễu hơn nhiều.

CHƠI MẠNG VẪN “BÙNG CHÁY”!
Dĩ nhiên, Gears of War 4 sẽ không phải là Gears of War nếu thiếu đi 2/3 còn lại của mình, đó là phần chơi Versus và Horde 3.0. Với những ai đã có thâm niên với các phiên bản Gears of War trước thì phần chơi Versus vẫn là chiến trường chơi mạng cổ điển tập trung vào chiến thuật đồng đội cực cao. Còn với những người mới chơi, đặc biệt là cộng đồng trên PC khi lần đầu tiên chạm tay vào Gears of War 9 năm sau khi phiên bản đầu tiên ra mắt, thì cuối cùng cũng có thể thưởng thức hương vị “dính tường” và biến địch thủ thành vài cục thịt bằng khẩu Gnasher trên tay mình chỉ bằng một phát bắn. Phần chơi Versus cũng tương tự như rất nhiều phần chơi Multiplayer của các tựa game bắn súng khác, thật khó để có thể tìm ra những từ ngữ “có cánh” để diễn tả về nó, thế nên người viết xin mời bạn đọc tự mình trải nghiệm nó để cảm nhận được “ma thuật” đầy thú vị mà Gears of War 4 mang lại trong chiến trường chơi mạng.

Phần chơi Versus mang lại hai chế độ chơi mới. Arms Race tương tự với chế độ cùng tên trong Counter-Strike: Global Offensive và Gun Game trong Call of Duty, trong đó hai đội tìm cách lấy 3 mạng bằng từng vũ khí được chỉ định lần lượt trong số 13 khẩu súng. Còn Dodgeball là chế độ “kéo co” đầy thú vị khi các thành viên của một đội đã tử nạn sẽ được hồi sinh nếu như đội của mình lấy được mạng của địch thủ. Đối với cá nhân người viết thì chế độ ưa thích nhất vẫn là phần chơi chiếm điểm King of The Hill quen thuộc.

Dĩ nhiên với những người chơi ưa thích cảm giác sống còn, thì phần chơi Horde 3.0 hẳn là điểm đến không thể chối từ. Điểm mới đầu tiên là hệ thống lớp nhân vật bao gồm 5 lựa chọn: Scout – tăng số lượng năng lượng thu thập được dùng để xây các thiết bị phòng thủ, Soldier – tuyến tấn công hàng “chuẩn”, Heavy – sử dụng các vũ khí hạng nặng và gây nổ hữu dụng hơn, Sniper – các thiện xạ có khả năng càn lướt địch thủ chỉ bằng vài phát bắn, và Engineer – sở hữu dụng cụ sửa chữa và xây dụng thiết bị phòng thủ hữu hiệu hơn. Horde 3.0 của Gears of War 4 vẫn mang đến độ khó “không tưởng” đặc biệt dành cho những người mới chơi khi không ngừng “xả” hàng loạt DeeBee, Drone và đầy đủ các loại quái vật Swarm khác trong mọi lượt.

Hệ thống lớp nhân vật còn đi đôi với hệ thống card mang lại điểm thưởng dành cho từng nhân vật. Các Bounty đề ra những yêu cầu mà người chơi cần thực hiện để lấy thêm điểm kinh nghiệm, còn những tấm card kỹ năng cá nhân có thể được nâng cấp với các tác động quan trọng và thậm chí, người chơi còn có thể kết hợp các tấm card này với nhau hay mang theo mình nhiều tấm card cùng lúc trước khi tham gia trận đấu.

Hai điểm trừ duy nhất khiến cho phần chơi Horde 3.0 chưa thực sự hoàn hảo là các lượt càn quét vẫn còn hơi dễ đoán (do số lượng địch thủ không nhiều) và tốc độ cày tiền trong game quá ư là chậm, khiến cho trò chơi vô hình chung buộc người chơi hoặc phải móc ví, hoặc phải tiêu tốn rất nhiều thời gian để cày tiền mua các gói card bổ trợ nếu muốn có lợi thế cần thiết trong Horde 3.0.

UNREAL ENGINE 4 PHÔ DIỄN SỨC MẠNH
Không sở hữu những hiệu ứng hình ảnh bóng bẩy tân thời để che mắt người chơi, nhưng Gears of War 4 vẫn có thể được xem là một trong những tựa game có chất lượng đồ họa tinh tế nhất ở thời điểm hiện tại, ngang ngửa với người anh em cùng nhà là Forza Horizon 3.

Nếu như lịch sử Gears of War mang lại cho làng game các khuôn mẫu nhân vật bự chảng như những cục gạch di động, thì lối thiết kế giáp trụ mới nay khiến JD, Del và Kait trông chân thực hơn nhiều nhưng vẫn giữ được nét cồng kềnh cổ điển đó (mà theo như lời Kait: “Có cảm giác như đang đeo một cánh cửa trên người vậy.”). Thời tiết, đặc biệt khi Windflare nổi giông, cùng với các khu vực dưới lòng đất càng tô điểm cho hiệu ứng ánh sáng đầy mê hoặc. Cử động nhân vật đầy mượt mà, vũ khí trở nên mạnh mẽ hơn, cảnh vật chi tiết đến mức khó tin và quan trọng nhất, đó là trò chơi hoạt động đầy ổn định kể cả với chất lượng đồ họa bắt mắt đến như vậy.

Người viết không có cơ hội thưởng lãm Gears of War 4 ở mức thiết lập đồ họa tối đa, song trò chơi vẫn thể hiện hết mức có thể ở mức “High” với hàng chục tinh chỉnh khác nhau khiến bất kỳ ai thích tọc mạch cũng phải há hốc mồm. Thật không ngoa khi nói rằng Gears of War 4 tạo nên một chuẩn mực mới cho game AAA đa hệ, một chuẩn mực cho thấy rằng tiềm năng của hệ máy PC có thể lớn đến mức nào, từ một chiếc PC cà tàng cho đến một con “khủng long” có khả năng chơi game ở 4K, Gears of War 4 đều có thể đáp ứng đủ.


Nguồn vietgame

Cấu hình để chơi game Gears of War 4

CPU: Intel Core i5-3470 3.2 GHz or AMD FX-6300 3.5 GHz

CPU SPEED: Info

RAM: 8 GB

OS: Windows 10 64-bit

VIDEO CARD: GeForce GTX 750 Ti or AMD Radeon R7 260X

FREE DISK SPACE: 80 GB

Mua bản quyền game Gears of War 4

Nếu thấy game Gears of War 4 hay thì nhớ mua bản quyền game ủng hộ nhà phát triển các bạn nhé. Bấm vào nút bên dưới để dẫn đến trang mua bản quyền.

Mục này chỉ dành để nhận xétđánh giá. Vui lòng bạn sử dụng mục Bình luận hoặc Diễn đàn để thảo luận, hỏi đáp, yêu cầu hoặc báo lỗi

  • BACHUVUTRU Thành viên

    hay mà tiếc quá huhu

Chatbox