Star Wars: Knights of the Old Republic - v1.03
Star Wars: Knights of the Old Republic là một game thể loại nhập vai do BioWare phát triển và phát hành bởi LucasArts dựa trên loạt phim Star wars. Trò chơi có cốt truyện mở và người chơi sẽ chọn cách mà mình sẽ tuơng tác với cốt truyện theo hướng thiện và ác, nó sẽ ảnh hưởng đến kết thúc của trò chơi. Bạn có thể trở thành vị cưu tinh anh hùng của Republic nhưng cũng có thể trở thành chúa tể bóng tối của người Sith.Cốt truyện xoay quanh một người lính trên một phi thuyền đang bị tấn công khi vừa mới tỉnh dậy. Sau vài cuộc chiến đấu người lính thoát ra khỏi phi thuyền và rơi xuống một hành tinh mà tại đó một Jedi cần được cứu. Một nhóm các chiến binh đã được tập hợp khi người chơi tìm cách để cưu Jedi và bắt đầu một cuộc hành trình thoát ra khỏi hành tinh trước khi nó bị pháo kích hủy diệt. Người chơi sau đó được huấn luyện để trở thành một Jedi để sử dụng được các thần lực trong người trước khi tự mình bắt đầu cuộc phiêu lưu vào không gian. Trong khi học tại Học viện Jedi trên Dantooine, người chơi phát hiện ra một "Bản đồ sao - Star Map", và được biết về "Star Forge". Nhân vật của người chơi và các bạn tham gia . cuộc hành tinh tìm kiếm của mình trên khắp thiên hà Dantooine, Manaan, Tatooine, Kashyyyk, và Korriban để biết thêm thông tin về Star Forge. Thông qua quá trình chuyến đi của mình, người chơi cuối cùng sẽ phát hiện ra nguyên nhân một số Jedi bỗng nhiên đầu quân cho phe Sith và nguồn gốc những binh đoàn hùng hậu của họ. Trò chơi có cốt truyện mở và người chơi sẽ chọn cách mà mình sẽ tuơng tác với cốt truyện theo hướng thiện và ác, nó sẽ ảnh hưởng đến kết thúc của trò chơi. Bạn có thể trở thành vị cưu tinh anh hùng của Republic nhưng cũng có thể trở thành chúa tể bóng tối của người Sith.
Trò chơi nhận được các đánh giá cao và giành được các giải thưởng khác nhau. Nó đã được tái phát hành trong bộ Star Wars: The Best of PC với số lượng giới hạn và phiên bản tiếp theo của trò chơi là Star Wars: Knights of the Old Republic II – The Sith Lords cũng đã được phát triển và phát hành.“A Long Time Ago In A Galaxy Far, Far Away...”
Vâng, “thuở xa xưa, ở một thiên hà nọ xa, rất xa...”, một câu nói rất quen thuộc của Star Wars mà bất cứ những ai đam mê nó đều nhận ra. Câu chuyện của SWKOTOR bắt đầu vào thời điểm 4.000 năm trước khi xảy ra sự kiện trong tập phim đầu tiên của Star Wars. Cộng hòa Galactic (Galactic Republic) đứng trên bờ vực lụi tàn khi trải qua cuộc giao tranh khốc liệt với phe Sith dưới sự lãnh đạo của chúa tể Exar Kun và sau đó là cuộc chiến ác liệt với dân Mandalorian. Hai hiệp sĩ Jedi là Revan và Malak dẫn đầu nhóm hiệp sĩ Jedi tham chiến với phe Sith đột nhiên mất tích sau cuộc chiến, để rồi sau đó họ trở lại với hàng ngàn chiến hạm xâm lăng dưới lá cờ của phe Sith. Bản thân cả hai cũng thay đổi hoàn toàn, họ trở thành những “Dark Jedi” (hay còn gọi là Jedi “ác”) đầy quyền năng và dã tâm. Để chống lại hiểm họa mà Revan và Malak mang lại, các bậc thầy Jedi và phe Republic đã xếp đặt một kế hoạch và họ đã tiêu diệt được Revan, còn Malak đã nhanh chân tẩu thoát. Tuy chiến thắng, song thiệt hại của nhóm liên minh cũng không kém phần nghiêm trọng: một trong số những chiến hạm của phe Republic bị binh đoàn của Malak bắn hạ và rơi vào khí quyển của hành tinh Taris. Trên con tàu này có bạn - một chiến binh Republic với khả năng tiềm ẩn và có một lai lịch bí ẩn, một nhân vật có thể thay đổi vận mệnh của hệ thiên hà. Thế thì bạn là ai mà cả phe Jedi lẫn Sith đều muốn thu phục và nguyên nhân gì đã khiến Revan và Malak đột ngột thay đổi? Và ở đâu mà Malak và Revan có được binh đoàn hùng hậu chỉ trong một thời gian ngắn? Câu trả lời xin nhường cho bạn... (để biết thêm chi tiết về Star wars, Jedi, Sith, Cộng hòa Galactic, ... xin xem thêm tại Star Wars: Battlefront II )
Phong cách mới
SWKOTOR có thể nói là một cuộc cách mạng đối với đội ngũ thiết kế game của Bioware. Thay vì thực hiện theo phong cách truyền thống mà họ vẫn hay làm với Baldur’s Gate, Neverwinter Nights... thì họ quyết định “vay mượn” hình thể của dạng game hành động với góc nhìn của người thứ ba. Chính yếu tố này đã khiến những tay chơi kinh nghiệm lẫn những “tân binh” bất ngờ. Có lẽ sự thay đổi này bắt nguồn từ việc game được thực hiện cho Xbox trước - điều khiển chủ yếu là tay cầm chứ không phải là chuột và bàn phím - cho nên nhà phát triển phải “vay mượn” cách điều khiển của game hành động để di chuyển nhân vật dễ dàng hơn, thay vì click và click. Khi chuyển sang hệ PC thì ngẫu nhiên gamer thừa hưởng được hai cách điều khiển: kiểu console (bằng tổ hợp phím ASDW) và kiểu truyền thống (click chuột). Theo tôi cách điều khiển kiểu hệ console dễ và thoải mái hơn so với cách bạn phải “vật lộn” mỏi tay với chuột.
Điểm mới khác của game chính là đồ họa, mà đại diện đầu tiên là giao diện người dùng. Tương tự như Neverwinter Nights, giao diện game dễ sử dụng và đơn giản, chia làm hai phần: “ngoài” và “trong”. Phần “ngoài” hiển thị tình trạng sức khỏe của nhân vật, bản đồ “mini”, thanh trạng thái... và đặc biệt là sự xuất hiện của một tính năng mới: menu mục tiêu (Target Action Menu). Với menu này người chơi có 3 lựa chọn khi giáp mặt kẻ thù: sử dụng kỹ năng cận chiến, năng lực siêu nhiên (Force) và dùng lựu đạn. Phần “trong” có thể nói là khá rối rắm khi có một loạt menu khác nhau được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có chức năng riêng. Ở đây điều mà tôi thích là kích thước chữ trong game dễ nhìn hơn các game nhập vai khác.
Phần hình ảnh đã được thực hiện tốt, những cảnh đẹp và kỳ lạ trên phim được tái hiện sống động và lộng lẫy. Mỗi thành phố trong game có nét đặc trưng kiến trúc không lẫn vào đâu được: thành phố của Manaan đi đâu cũng thấy nước và... nước, còn Tatooine là khu vực sa mạc với những bãi cát vàng mênh mông và có kiến trúc trông giống thành Bát-đa... Phải công nhận là các tay phát triển game của Bioware đã chọn “tông” màu tươi và hợp với những môi trường khác nhau. Tuy nhiên, góp công lớn cho thành công của đồ họa phải kể đến các hiệu ứng của game. Bioware đã sử dụng engine tên là Odissey kết hợp với engine cải tiến Aurora (dùng trong Neverwinter Nights) nhằm tận dụng tối đa các kỹ thuật tân tiến hiện nay của dòng GeForce, như kỹ thuật đổ bóng và ánh xạ môi trường... Nhờ những kỹ thuật này, phần đồ họa thực hơn. Nếu bạn có cấu hình máy khá mạnh thì nên bật chức năng “Frame Buffer Effects” (cũng như các phần tăng cường khác), để các nguồn sáng bắt mắt hơn, chẳng hạn ánh sáng phát ra từ cây kiếm ánh sáng (light saber), các vụ nổ, phản chiếu bề mặt... Các bạn nên chú ý là game có thể bị chậm một cách bất thường (hình đi sau tiếng) và đôi lúc bị “văng” game - tôi đã từng bị. Sau khi cài bản sửa lỗi (patch) 1.2 thì hiện tượng này sẽ hết.
Nét truyền thốngTuy cải tiến về giao diện, cách thức di chuyển và áp dụng công nghệ đồ họa tiên tiến nhưng lối chơi của SWKOTOR vẫn theo truyền thống của Bioware: áp dụng các luật chơi được định ra bởi Wizard of the Coast - nhà “soạn” các luật chơi. Kỳ này là luật chơi D20 (twenty-side dice) dựa trên nền tảng của Dungeons & Dragons. Cách chơi của SWKOTOR cũng đơn giản như Neverwinter Nights: vào đầu game người chơi sẽ tạo cho mình một nhân vật (nam hay nữ tùy bạn) với đầy đủ các thành phần như: kỹ năng, chỉ số, lớp... Việc khai báo các thông số cho nhân vật tương đối đơn giản (về mặt chọn lựa và chú thích), hơn cả NWN - game được coi là cuộc “cách mạng” đơn giản hóa trong dòng game nhập vai “rối rắm” của Bioware. Về mặt hành động thì game có khác các game nhập vai của Bioware trước đây một chút: thay vì bạn đụng độ đối thủ trong thời gian thực và sau đó ngưng game lại để sắp xếp các lệnh cần thực hiện tiếp theo, thì trong SWKOTOR, theo mặc định game sẽ tự ngưng khi bắt gặp nguy hiểm (kẻ thù, mìn...) để bạn quyết định (dĩ nhiên, người chơi vẫn có thể ngưng game bất kỳ lúc nào). Lúc ngưng game, bạn sẽ thấy sự lợi hại của menu mục tiêu đã đề cập bên trên, người chơi có thể lựa chọn nhiều cách để tiêu diệt đối phương: dùng súng, quăng lựu đạn, dùng năng lực siêu phàm... Nếu bạn không thích sự tự động ngưng game thì có thể vào phần Option để chỉnh theo ý mình.
Việc đi lại trong game tương đối thoải mái (chỉ trừ hành tinh Taris ban đầu) và khá “phê” vì thế giới rộng lớn của game. Nhưng đừng lo, bạn chỉ mệt ở lần đi đầu (để mở rộng bản đồ), còn để trở lại “nhà” nhanh thì có 2 cách: dùng chiêu “di chuyển tức thời” (teleport) với điều kiện là bạn không nằm trong khu vực nguy hiểm; nếu bạn đã đạt “chứng chỉ” Jedi thì việc di chuyển chỉ là chuyện “nhỏ” (sử dụng kỹ năng Speed), bạn sẽ thấy sức mạnh của hiệp sĩ Jedi lúc này có ích như thế nào. Việc trở về nhà nhanh không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giúp nhân vật hồi phục nhanh chóng. Để định hướng trong các khu vực rộng lớn, bản đồ là món không thể thiếu. Tương tự NWN, những điểm quan trọng sẽ được đánh dấu và có ghi tên để giúp người chơi định vị tiện lợi (một số game nhập vai phức tạp, hầu như người chơi phải tự đánh dấu những điểm đặc biệt trừ các địa danh, rất mất công); cũng cần lưu ý là bạn ở khu vực nào thì chỉ dùng bản đồ khu đó.
Việc nhận nhiệm vụ và lên cấp là điều không thể thiếu. Với SWKOTOR bạn tha hồ mà nhận nhiệm vụ từ các hành tinh nhưng có thể giải quyết từ từ (trừ Taris, vì hành tinh này sẽ bị “xóa sổ”; bạn phải thực hiện hết nhiệm vụ vì sẽ không có cơ hội quay lại). Nhiệm vụ trong game khá đa dạng như bắt tội phạm, giải cứu tù binh, điều tra án... Mỗi nhiệm vụ đều có hai lựa chọn: thiện hoặc ác, chính điều này sẽ ảnh hưởng đến việc “cán cân thiện ác” lệch về bên nào và kết cục của game.
Ngoài nâng cấp căn bản, người chơi sẽ tiếp xúc với việc nâng cấp cao hơn và có thể nói là thú vị nhất của trò chơi: hiệp sĩ Jedi. Tùy theo mức độ của cột thiện ác mà khi nâng cấp bạn sẽ có những tính năng khác nhau giữa dòng Dark Jedi và Light Jedi. Chẳng hạn phe Dark Jedi thiên về sức mạnh nên có những phép tiêu diệt rất mạnh, còn Light Jedi không chủ trương bạo lực nên có những phép thiên về bảo vệ. Một khi bạn đã trở thành Jedi thì các thứ như súng ống, lựu đạn, người máy... chỉ là “đồ bỏ”, tất nhiên để “bỏ” được bạn phải là một Jedi “dữ dằn”. Cần lưu ý là do giới hạn của luật chơi D20 cho nên bạn chỉ có thể lên đến cấp 20 (tổng của cả hai cấp nhân vật) mà thôi, do đó nên cân nhắc khi chọn tính năng. Nâng cấp “đồ chơi” là một môn chơi “trí tuệ” khác không nên bỏ qua, game có 4 loại nâng cấp: súng, gươm, áo giáp và kiếm ánh sáng. Mỗi món đồ sẽ có 3 khe nâng cấp và để thực hiện bạn phải có bàn làm việc (workbench) cũng như dụng cụ. Tôi thì thích nhất là nâng cấp kiếm ánh sáng, vì với cây kiếm được nâng cấp tốt bạn sẽ chẳng sợ bất cứ kẻ nào. Xen kẽ giữa các nhiệm vụ, các trận chiến căng thẳng và những cuộc chạy “maratông” mệt... đứt hơi là những trò chơi “mini” thư giãn, không kém phần hấp dẫn: đánh bài Pazaak, đua xe Swoop, bắn phi thuyền và giác đấu. Trong đó, đánh bài và đua xe khó nhất nhưng thú vị nhất.
Các NPC Đầy Cá Tính
Một game nhập vai mà không có các nhân vật phụ (NPC) đi theo hỗ trợ thì không còn thú vị nữa, SWKOTOR không quên điều đó. Trong game bạn sẽ có một đoàn tùy tùng “đa quốc gia”... 9 người! Nhưng chỉ có 2 trong số đó đi theo bạn, còn lại tập trung ở căn cứ. Có nhiều NPC “hấp dẫn” đi theo như vậy liệu bạn có thể điều khiển được chúng không? Câu trả lời là có, và đây cũng là một điểm hay của game. Bạn có thể dùng chức năng chuyển đổi qua lại giữa nhân vật chính và các nhân vật phụ để điều khiển, ngoài ra bạn có thể chọn lựa áo giáp, vũ khí... cho chúng, can thiệp vào việc lên cấp. Nếu muốn, bạn có thể thiết lập trạng thái của nhân vật như tấn công bằng siêu năng lực, vũ khí... Ở một số trường hợp (vì không thể ra lệnh cho các NPC đứng yên) người chơi có thể chuyển sang chế độ “Solo”, bạn thoái mái hành động còn các nhân vật khác đứng yên, nếu không cần thì chỉ việc tắt chế độ này. Nên nhớ rằng, cũng như “teleport”, nếu bạn muốn thay đổi các nhân vật đi theo thì phải tránh xa các khu vực nguy hiểm. Cũng như NWN, mỗi NPC có cá tính và “tiểu sử” riêng và xin nói trước là câu chuyện của chúng rất... dài dòng và “mệt mỏi”. Bạn có thể chủ động bắt chuyện hoặc để yên cho tới lúc máy “chủ động” nói với bạn. Theo tôi mặc dù việc kiểm soát nhân vật phụ trong SWKOTOR khá tốt và dễ nhưng bạn nên ưu tiên cho nhân vật của chính bạn. Thực tế cho thấy từ đầu tới cuối game tôi “bỏ rơi” các NPC nhưng chúng vẫn “sống tốt”.
Điểm thú vị khác của NPC chính là giọng nói của chúng. Thế giới của Star Wars rộng lớn và đa dạng cho nên có rất nhiều nhân vật đến từ các hành tinh khác nhau. Tất nhiên, ngoài ngôn ngữ giao tiếp chung, chúng vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng hành tinh - thứ ngôn ngữ mà chỉ có...người hành tinh mới hiểu! Bạn có thể bật cười khi nghe giọng beep..beep của “cục sắt di động” T3-M4, tiếng khỉ đột... rống của dân Wookiee, giọng “xí xa xí xồ” của người Twi’lek...
Và cuối cùng, có một điều cần nhắc nhở là khi đã chơi SWKOTOR thì bạn phải theo liên tục, vì chỉ cần ngắt quãng 1-2 ngày thì khi chơi lại bạn sẽ mất phương hướng về những gì đã diễn ra trước đó.
“Cảm Giác Star Wars”Không nhắc đến âm nhạc trong game quả là điều thiếu sót. LucasArts và Bioware đã bắt tay đầu tư dàn dựng nhạc game nhằm mang lại cho người chơi “cảm giác Star Wars” giống như trong phim mà họ đã xem (tôi thích nhất là bài nhạc lúc chọn nhân vật đầu game). Các bài nhạc trong game là sự pha trộn giữa cổ điển và hiện đại, những bản nhạc mà John William từng “mê hoặc” các fan xi-nê một lần nữa khuấy động không gian game. Nhưng đáng kể nhất phải nhắc đến nhà soạn nhạc nổi tiếng Jeremy Soule - người thực hiện phần nhạc nhiều nhất cho game: 50 bản nhạc và 54 bản viết riêng cho các đoạn phim cắt cảnh. Jeremy nổi tiếng trong giới làm game vì studio của anh - Artistry Entertainment - chuyên thực hiện âm nhạc “chất lượng phim ảnh” cho nền công nghiệp game và từng đoạt nhiều giải thưởng đáng chú ý.
Lời KếtVới khả năng của mình, LucasArts có thể dư sức làm một game nhập vai tốt, nhưng xét về kinh nghiệm thực tiễn lẫn số lượng đầu game thì họ vẫn còn thua kém Bioware nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà LucasArts đánh giá đúng về Bioware là trong giới chơi game cũng như phát triển game thì tên tuổi và uy tín của Bioware là một tấm bằng chứng nhận “nặng ký”, mỗi một sản phẩm mà họ tung ra đều thắng lớn và đậm. LucasArts đã không sai lầm khi SWKOTOR đã đoạt tổng cộng 105 giải thưởng từ các tạp chí, trang web lớn nhỏ (38 giải “Game hay nhất trong năm”, 25 giải “Game nhập vai trong năm”, 11 giải “Editor’s Choice” và 31 giải thưởng phụ khác).
Cấu hình để chơi game Star Wars: Knights of the Old Republic
- OS: Windows XP and Windows Vista
- Processor: Intel Pentium 3 1Ghz or AMD Athlon 1GHz
- Memory: 256 RAM
- Graphics: 32 MB with Hardware T&L
- DirectX®: Directx 9.0b or better
- Hard Drive: 3.5 GB
- Sound: Directx 9.0b compatible
Mua bản quyền game Star Wars: Knights of the Old Republic
Nếu thấy game Star Wars: Knights of the Old Republic hay thì nhớ mua bản quyền game ủng hộ nhà phát triển các bạn nhé. Bấm vào nút bên dưới để dẫn đến trang mua bản quyền.
Loạt game Star Wars
Kéo từ phải sang trái để xem
Các lỗi thường gặp khi chơi Star Wars: Knights of the Old Republic
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi XINPUT1_3.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa các lỗi giải nén
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi MSVCR110.dll / MSVCR100.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi VCOMP120.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi XAPOFX1_5.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi X3DAudio1_7.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi 0xc000007b
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi d3dx9_43.dll
25501
0
1